Răng Trẻ Mọc Lẫy Là Bị Làm Sao? Cách Khắc Phục Như Thế Nào?
Tình trạng răng trẻ mọc lẫy có thể xuất hiện khi bé bắt đầu thay răng sữa và khiến các mẹ rất lo lắng. Vậy hiện tượng răng mọc lẫy có ảnh hưởng như thế nào và cách khắc phục ra sao?
Tình trạng răng trẻ mọc lẫy
Trung bình từ 5,6 tuổi trở đi trẻ bắt đầu thay răng sữa, những chiếc răng vĩnh viễn bắt đầu mọc lên. Đây cũng là thời điểm có thể xuất hiện tình trạng răng bé bị mọc lẫy. Nhiều mẹ không để ý đến tình trạng này, để răng vĩnh viễn mọc chen lên nhiều, xiêu vẹo không thẳng hàng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bé.
Răng trẻ mọc lẫy còn được gọi thông dụng hơn là răng mọc chòi, tức là răng vĩnh viễn mọc lên khi răng sữa chưa được thay thế. Ở cùng 1 vị trí chân răng lại có 2 chiếc răng cùng mọc thì chắc chắn sẽ không thể thẳng hàng như bình thường và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe răng miệng.
Mới đầu, hiện tượng này khá khó quan sát dễ bỏ qua. Nhưng khi răng vĩnh viễn bắt đầu lộ rõ ra khỏi lợi thì răng sữa chưa rụng sẽ bị đẩy lệch vị trí. Để nhận biết sớm tình trạng này, cha mẹ cần quan tâm hơn tới răng miệng của con kể từ thời điểm bé bắt đầu thay răng sữa, thường xuyên hỏi han bé để kịp thời đưa bé tới nha sĩ kiểm tra răng.
Nguyên nhân khiến trẻ mọc lẫy răng
Đa số mọi người đều lầm tưởng rằng tình trạng trẻ mọc lẫy răng là do không nhổ răng sữa cho bé kịp thời để tạo khoảng trống cho răng vĩnh viễn mọc lên. Nhưng thực tế, hiện tượng răng bé bị mọc lẫy còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như: di truyền, thói quen xấu, thiếu canxi hoặc do tác động ngoại lực. Cụ thể như sau:
Răng bé mọc lẫy do di truyền
Nếu như trong gia đình bé có ông bà hoặc cha mẹ từng bị mọc lẫy răng thì khả năng đến trẻ cũng bị như vậy là do gen di truyền. Nguyên nhân này bất khả kháng, không thể phòng ngừa được. Yếu tố này còn tác động đến cả hình thái của răng, độ dày mỏng của răng và độ tuổi thay răng sữa. Do vậy nếu bản thân cha mẹ từng gặp vấn đề về sức khỏe răng miệng thì khi con cái đến tuổi thay răng sữa cần chú ý quan sát bé nhiều hơn.
Răng trẻ mọc lẫy do thiếu dưỡng chất thiết yếu
Thiếu dưỡng chất ở đây không chỉ là thiếu chất tác động trực tiếp đến xương răng như canxi, vitamin D3 mà thiếu chất nói chung. Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu các dưỡng chất thiết yếu cũng khiến cho chu trình mọc răng, thay răng của trẻ gặp vấn đề.
Đây cũng có khả năng là nguyên nhân khiến răng vĩnh viễn chậm mọc lên, răng sữa không lung lay hoặc răng sữa chậm rụng, dẫn đến răng bé bị mọc lẫy.
Trẻ mọc lẫy răng do tác động ngoại lực
Trẻ nhỏ rất hiếu động, thường xuyên chạy nhảy hoặc chẳng may bị vấp ngã ảnh hưởng đến khu vực mặt, miệng cũng có thể là nguyên nhân khiến răng mọc lẫy. Tác động ngoại lực sẽ khiến xương hàm bị xô lệch đi, răng mọc lên không thẳng hàng như ban đầu hoặc mọc chòi lên khi răng sữa chưa rụng.
Do thói quen xấu của trẻ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ có thói quen mút tay, cắn móng tay nếu cha mẹ không kịp thời can ngăn và rèn luyện. Đây là những thói quen xấu khá mất vệ sinh và về lâu dài còn ảnh hưởng tới cấu trúc xương hàm của bé. Đặc biệt thói quen mút tay sẽ tác động xấu tới quá trình mọc răng vĩnh viễn, khiến răng dễ mọc lệch, mọc lẫy mất thẩm mỹ.
Răng bé mọc lẫy gây ra hậu quả gì?
Thực tế có nhiều trường hợp mọc răng lẫy không ảnh hưởng gì tới sức khỏe răng miệng. Vì răng sữa chưa rụng và răng vĩnh viễn mọc lên hoàn toàn có thể tồn tại độc lập. Nhưng hậu quả dễ dàng nhìn thấy nhất là về mặt thẩm mỹ.
- Về mặt thẩm mỹ: Rõ ràng rằng khi nhìn vào hàm răng của bé bị mọc lẫy răng thì điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là mất thẩm mỹ, không đều và đẹp như hàm răng mọc bình thường.
- Về mặt sức khoẻ: Tình trạng răng trẻ mọc lẫy có thể gây hậu quả xấu cho sức khỏe của trẻ, trước mắt là khó khăn khi ăn uống. Răng vĩnh viễn mọc lên bị lệch, có thể khiến bé bị đau răng, đau hàm khi ăn uống, đau răng lâu dài có thể kéo lên đau đầu. Về lâu dài, bé có thể sẽ chán ăn vì mỗi lần nhai, cắn bị đau nhức. Hoặc bé ăn uống được nhưng nhai trệu trạo hoặc nuốt thức ăn không nhai kỹ sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của bé.
Cách xử lý tình trạng răng bé mọc lẫy
Tình trạng mọc lẫy răng ở mỗi trẻ sẽ khác nhau về mức độ, độ tuổi nên sẽ có phương hướng điều trị khác nhau. Chắc chắn nhất là cha mẹ nên chú ý quan sát răng của bé, đưa bé tới gặp nha sĩ ngay khi phát hiện ra răng bé mọc lẫy. Phát hiện càng sớm thì biện pháp can thiệp càng nhẹ nhàng hơn. Sau đây là các cách xử lý khi bé gặp phải tình trạng này và cũng là giải đáp cho thắc mắc răng mọc lẫy có nhổ được không?
Nhổ răng sữa mọc lẫy
Mặc dù răng sữa chưa rụng và răng vĩnh viễn mọc lẫy có thể tồn tại độc lập với nhau nhưng để tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này của bé thì tốt nhất nên nhổ răng sữa cho bé. Răng sữa của bé có thể lung lay ít, khó rụng hoặc không lung lay vẫn nhổ được khi người nhổ là bác sĩ có chuyên môn cao.
Cha mẹ cần lưu ý rằng việc nhổ răng sữa mọc lẫy không thể thực hiện được tại nhà vì cần phải sử dụng thuốc tê dạng tiêm. Chỉ bôi thuốc tê bề mặt không thể giúp bé hết đau khi bị nhổ răng được. Vì lúc này chân răng sữa vẫn chưa bị tiêu biến, răng không lung lay, rất chắc chắn nên phải dùng lực mạnh và các dụng cụ nha khoa để tác động lấy được răng ra. Hơn nữa, ngay cả việc nhổ răng sữa tại nhà khi đã đủ lung lay cũng có thể khiến bé gặp vấn đề về tâm lý nếu cha mẹ không biết cách thực hiện hoặc gây đau đớn cho bé, bé sợ hãi không hợp tác.
Việc nhổ răng sữa khi răng chưa lung lay cũng không ảnh hưởng gì đến răng vĩnh viễn và cấu trúc xương hàm như nhiều người vẫn lầm tưởng. Khi tình trạng răng trẻ mọc lẫy đã được xử lý bằng nhổ răng sữa thì răng vĩnh viễn vẫn sẽ mọc lệch lên. Nhưng đa số các trường hợp đều tự điều chỉnh được do lực đẩy từ lưỡi của bé tác động hàng ngày.
Niềng răng cho bé
Với những trường hợp trẻ lớn bị mọc lẫy răng, không thể xử lý được bằng cách nhổ răng sữa hoặc sau khi nhổ răng sữa xong mà răng vĩnh viễn vẫn bị lệch thì nên cân nhắc niềng răng cho bé. Niềng răng là biện pháp chỉnh hình nha khoa rất phổ biến hiện nay, không chỉ giải quyết vấn đề thẩm mỹ mà còn khắc phục nhiều vấn đề về sức khỏe răng hàm mặt như: sai khớp cắn, lệch hàm, răng khấp khểnh khó nhai…
Biện pháp niềng răng xử lý răng trẻ mọc lẫy sẽ cho hiệu quả tốt nhất khi trẻ 15 – 18 tuổi. Ở khoảng độ tuổi này, trẻ sẽ ít bị đau hơn cũng như thời gian niềng ngắn hơn so với việc niềng răng khi 20 tuổi trở lên.
Một số biện pháp niềng răng chỉnh nha khi răng bé bị mọc lẫy cha mẹ có thể tham khảo:
Niềng bằng khí cụ tháo lắp được
Bác sĩ nha khoa sẽ dùng khí cụ nong chỉnh hàm bằng nhựa phù hợp để gắn vào hàm răng bé, tác động lực lên xương hàm nhằm mục đích nới rộng hàm răng ra, cho răng vĩnh viễn có khoảng trống để về đúng vị trí. Khí cụ bằng nhựa này được thiết kế phù hợp với cấu trúc hàm riêng của bé, có thể bằng nhựa dẻo hoặc nhựa cứng tùy trường hợp cụ thể.
Ưu điểm của phương pháp này là có thể tháo ra khi trẻ đi học, không muốn bị bạn bè trêu đùa. Nhưng nhược điểm là hiệu quả không cao và thời gian để đạt được hiệu quả mong muốn lâu dài vì nhiều trẻ quên không gắn khí cụ hoặc bỏ cuộc giữa chừng.
Niềng bằng mắc cài định hình cố định
Mắc cài cố định được gắn trực tiếp vào răng, không thể tự tháo ra được mà phải nhờ đến kỹ thuật của bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống mắc cài này sẽ định hình hàm răng của trẻ về đúng vị trí đảm bảo tính thẩm mỹ bằng cách tác động lực kéo.
Đây được cho là biện pháp niềng răng có hiệu quả cao nhất nhưng đòi hỏi trẻ hợp tác và có thể vượt qua được rào cản về tâm lý do trong thời gian niềng răng không được thẩm mỹ.
Xem thêm: Nhổ răng sữa cho bé ở đâu đảm bảo AN TOÀN, KHÔNG ĐAU? – TOP 15+ địa chỉ uy tín!
Niềng răng trong suốt
Khác với mắc cài cố định sắt hoặc sứ phổ biến thì niềng răng trong suốt sử dụng khay chỉnh nha bằng chất liệu nhựa trong suốt. Từ 10 tuổi trở lên mà răng trẻ mọc lẫy là đã có thể xử lý được bằng biện pháp niềng răng trong suốt. Mặc dù hiện nay giá thành niềng răng bằng công nghệ invisible khá cao nhưng lại có ưu điểm lớn là gần như không ai phát hiện ra nếu không để ý kỹ.
Bên cạnh việc phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng răng trẻ mọc lẫy thì cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ chăm sóc răng miệng đúng cách. Không thường xuyên vệ sinh răng có thể khiến trẻ mắc phải nhiều bệnh răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu… vô cùng nguy hiểm.
Dành cho bạn:
- Khi nào nhổ răng sữa cho bé? Thế nào là “đúng thời điểm”
- Nhổ răng sữa còn sót chân răng phải làm sao?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!