Việc chăm sóc răng miệng không đúng cách cùng nhiều thói quen xấu khác gây ra các bệnh lý trong khoang miệng, trong đó phổ biến nhất là viêm nướu. Tình trạng này ban đầu thường không gây nguy hiểm nhưng nếu không có biện pháp cải thiện từ sớm sẽ tiềm ẩn nhiều biến chứng. Bởi vậy, bạn nên tìm hiểu về nguyên nhân, các triệu chứng của bệnh cũng như cách điều trị và phòng ngừa để chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của bản thân. Tất cả những thông tin cần thiết sẽ được cung cấp trong bài viết dưới đây, bạn đọc đừng bỏ lỡ.
Viêm nướu là bệnh gì?
Nướu răng chính là phần mô mềm bọc quanh chân răng, thực hiện chức năng che chở, bảo vệ chân răng trước sự tấn công của những tác nhân gây hại, giữ chân răng vững chắc. Hầu hết các mô nướu răng đều dính chặt vào khung xương bên dưới để chống lại sự ma sát của thức ăn khi được đưa vào khoang miệng.
Viêm nướu còn được biết đến với tên gọi viêm nướu răng hay viêm lợi. Đây được hiểu là tình trạng nướu xuất hiện phản ứng viêm, trở nên sưng đỏ, mềm, dễ chảy máu. Cụ thể, trong quá trình ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách, các mảng bám tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công khiến lợi bị tổn thương.
Các chuyên gia chia viêm lợi thành 2 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn 1 - Viêm nướu cục bộ: Đây là tình trạng nướu mới bắt đầu bị viêm nhiễm, chân răng bị sưng nhưng chưa gây ra nhiều đau đớn. Khi đánh răng hoặc tác động lực mạnh có thể khiến nướu bị chảy máu. Ở giai đoạn này, chân răng cùng các tổ chức quanh răng chưa bị ảnh hưởng nhiều, dễ điều trị nhưng cũng dễ tái phát.
- Giai đoạn 2 - Viêm cận răng: Sau một thời gian lợi bị sưng nhưng không có biện pháp xử lý và chăm sóc đúng cách khiến phần nướu bên trong xương hàm bị đẩy ra, làm xuất hiện lỗ hổng quanh răng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn tích tụ, tấn công, thức ăn bám dính tạo mảng bám và gây viêm nhiễm nặng nề.
Theo nghiên cứu, hầu hết tất cả mọi người đều có nguy cơ bị viêm nướu, nhưng có một số đối tượng có tỷ lệ cao mắc bệnh đó là:
- Người lớn tuổi.
- Người chăm sóc, vệ sinh răng miệng không đúng cách.
- Sử dụng bia rượu, thuốc lá tần suất nhiều.
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai hoặc sau sinh thay đổi nội tiết tố.
- Đối tượng không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Trường hợp mắc bệnh nhiễm virus, nhiễm nấm, tiểu đường,...
Bệnh nướu răng ở giai đoạn đầu thường không nguy hiểm và rất dễ để điều trị triệt để, tuy nhiên nếu tình trạng này tiến triển trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác.
Nguyên nhân gây viêm nướu
Nếu muốn xử lý triệt để tình trạng viêm nướu, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân bị viêm nướu răng. Theo các bác sĩ, có rất nhiều yếu tố tác động khiến mô lợi bị tổn thương, viêm nhiễm, chảy máu, bao gồm cả tác động bên trong và bên ngoài cơ thể. Cụ thể như sau:
- Do cao răng: Đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm nướu. Sau khi ăn, ở bề mặt thân răng xuất hiện lớp màng khiến vi khuẩn tích tụ, nếu không được làm sạch, lớp màng dễ bị vôi hóa thành cao răng. Cao răng thường tổn tại ở bề mặt răng, dưới nướu, chứa vô vàn vi khuẩn có hại, gây ra tình trạng viêm nhiễm ở nướu.
- Vệ sinh răng miệng không đúng: Vệ sinh răng miệng là việc làm chúng ta thực hiện hàng ngày nhưng không phải ai cũng đảm bảo đúng chuẩn nha khoa. Nếu không cẩn thận, chúng ta không thể loại bỏ được các mảng bám, thức ăn thừa còn sót lại. Từ đó tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và tấn công mô nướu. Ngoài ra, việc chải răng quá mạnh, dùng bàn chải cứng hoặc xỉa răng bằng tăm tre cũng gây ra những tổn thương cho mô nướu.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Thực tế đã chứng minh, việc ăn uống không khoa học cũng chính là yếu tố tăng nguy cơ bị viêm nướu răng. Cụ thể ăn uống thiếu chất, đặc biệt là canxi, vitamin C, D khiến sức đề kháng suy giảm, dễ bị vi khuẩn tấn công. Bên cạnh đó, ăn quá nhiều đường, bánh kẹo ngọt cũng tạo điều kiện thuận lợi để khuẩn hại sinh sôi, phát triển.
- Sự thay đổi nội tiết tố: Đây là nguyên nhân chính gây bệnh viêm nướu răng ở phụ nữ mang thai. Trong quá trình mang bầu, nồng độ progesterone và estrogen trong cơ thể bị tăng lên, khiến lượng máu đến mô nướu cũng gia tăng, từ đó nướu trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng và chịu sự tấn công của vi khuẩn.
- Căng thẳng, stress: Có thể bạn chưa biết, stress cũng chính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nướu với tỷ lệ cao gấp 2 lần người bình thường. Khi căng thẳng trong thời gian dài, cơ thể sản xuất nhiều hormone cortisol và adrenalin, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, khiến nướu dễ bị tổn thương, viêm nhiễm, đồng thời vi khuẩn gây bệnh hình thành, tấn công trong khi hệ miễn dịch suy giảm, làm giảm khả năng tự phục hồi của tế bào nướu.
- Sử dụng thuốc Tây y: Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch, thuốc kháng Histamin trong thời gian dài có thể gặp tác dụng phụ, đặc biệt là giảm quá trình tiết nước bọt, gây khô miệng, qua đó vi khuẩn dễ dàng phát triển, tấn công khiến mô nướu bị viêm nhiễm.
- Nghiến răng: Tật nghiến răng trong khi ngủ là vấn đề nhiều người gặp phải, được xem là chứng rối loạn vận động trong giấc ngủ. Lúc này hai hàm siết chặt vào nhau, tạo âm thanh nghe rất rõ. Không chỉ ảnh hưởng đến răng mà nghiến răng còn tạo áp lực lên cơ hàm và nướu, gây viêm nướu.
- Thói quen xấu trong sinh hoạt: Một số thói quen xấu như thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn gây hại cho răng miệng. Theo nghiên cứu, hút thuốc lá gây vàng răng, tăng khuẩn hại trong khoang miệng khiến nướu bị tổn thương, sưng viêm. Đồng thời thường xuyên uống rượu bia cũng tăng lượng mảng bám trên răng, dễ gây viêm nướu.
- Bệnh lý khác: Bệnh viêm nướu răng cũng có thể hình thành do những bệnh lý khác trên cơ thể, đặc biệt là tiểu đường. Những người bị tiểu đường thường có lượng đường huyết tăng cao, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ viêm nhiễm ở lợi. Đối tượng bị viêm nướu do tiểu đường khó điều trị hơn người bình thường. Ngoài ra, viêm lợi cũng có thể bị gây ra bởi bệnh viêm gan, bệnh về tĩnh mạch,....
Triệu chứng thường gặp
Lợi khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt, săn chắc, tuy nhiên nếu bị viêm nhiễm, bộ phận này dần chuyển màu, cùng với đó người bệnh sẽ thấy một số dấu hiệu bất thường. Những triệu chứng viêm nướu răng thường gặp đó là:
- Nướu bị sưng hơn so với bình thường, chuyển màu hồng tím và nhú lợi hình tròn.
- Phần nướu răng bị lở loét, mưng mủ.
- Có cảm giác đau trong khoang miệng, đặc biệt là vị trí bị sưng viêm, nếu uống nước hoặc dùng lực tác động, mức độ đau nhức tăng lên.
- Khi đánh răng hoặc nhai nghiền thức ăn, chân răng và lợi bị chảy máu.
- Viêm lợi hở chân răng tạo khoảng trống lớn, người bệnh có cảm giác răng dài hơn bình thường, đồng thời răng tại vị trí viêm lợi dễ bị hỏng và lung lay.
- Xuất hiện nhiều mảng bám và cao răng dày hơn ở trên răng, cổ răng, nướu.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu, cảnh báo sự tích tụ của vi khuẩn, túi mủ hình thành.
- Khi bị viêm nướu, răng dễ bị xô lệch, có xu hướng ngả về phía trước hoặc sau.
- Trong trường hợp viêm lợi xảy ra trên hàm, khoảng cách giữa các răng bị rộng, nướu không còn bám chắc vào răng.
- Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện khi bị viêm nướu đó là chán ăn, mất ngủ, sốt nhẹ, nhiệt miệng, lở loét miệng thường xuyên.
Viêm nướu gây ra những tác hại gì?
Như đã nói, bệnh nướu răng ban đầu thường không gây hại cho sức khỏe, tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển trong thời gian dài mà không có biện pháp cải thiện sẽ gây ra nhiều biến chứng. Vậy thực tế viêm nướu răng gây ra những tác hại gì?
Viêm nha chu
Viêm nướu ban đầu chỉ là hiện tượng viêm nhiễm thông thường, sau một thời gian không được can thiệp sẽ gây viêm nha chu. Khi đó người bệnh sẽ thấy những triệu chứng như: Hơi thở có mùi hôi, nướu sưng đỏ, xuất hiện mủ, tự chảy máu kể cả khi không có bất kỳ tác động nào, mô tế bào của nướu răng trở nên lỏng lẻo hơn, đồng thời răng lung lay, dễ di lệch, bị thưa, chức năng ăn nhai giảm.
Viêm nha chu cảnh báo tình trạng viêm nướu đã tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng, khó khăn khi điều trị, mất nhiều thời gian và chi phí. Đặc biệt việc chữa trị không đúng cách sẽ gây ra nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm khác.
Áp xe răng
Áp xe răng cũng là một trong những tác hại mà bệnh viêm nướu gây ra. Trong trường hợp viêm nướu không được xử lý kịp thời và đúng cách, vi khuẩn tiếp tục phát triển, lan rộng, tấn công nhiều bộ phận trong khoang miệng, đặc biệt chúng tiết ra độc tố khiến chân răng bị nhiễm trùng, hình thành ổ áp xe. Biểu hiện thường gặp của áp xe răng đó là mặt sưng, có cảm giác đau nhức dữ dội và thân nhiệt tăng cao bất thường.
Ngoài ra, viêm nướu ở giai đoạn nghiêm trọng còn tăng nguy cơ bị ung thư nướu răng. Bệnh lý này làm suy giảm hệ miễn dịch, hủy hoại lợi cũng như các bộ phận khác như răng, xương hàm,....
Mất răng
Rất nhiều trường hợp chủ quan trước những dấu hiệu bất thường của bệnh viêm nướu, không xử lý từ sớm và phải đối mặt với nguy cơ mất răng. Từ viêm nướu chuyển sang viêm nha chu, khiến răng bị lung lay do tiêu xương ổ, giãn dây chằng quanh răng.
Mất răng là một biến chứng đáng lo ngại bởi gây khó khăn khi ăn nhai, tạo cảm giác chán ăn, thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ngoài ra hiện tượng này còn ảnh hưởng đến các răng xung quanh khiến chúng dễ bị lung lay và rụng. Đặc biệt mất răng làm giảm tính thẩm mỹ của khuôn mặt, tạo tâm lý tự ti, e ngại, không muốn giao tiếp với người xung quanh.
Hỏng tủy
Hỏng tủy hay tủy bị thối hình thành do nhiều nguyên nhân, trong đó những trường hợp viêm nướu có nguy cơ cao bị hỏng tủy. Lý do là bởi sau một thời gian, vi khuẩn trong khoang miệng không chỉ tác động đến nướu mà còn tấn công đến cấu trúc răng, về lâu dài khuẩn hại xâm nhập sâu bên trong tủy, gây viêm nhiễm.
Bệnh viêm tủy vô cùng nguy hiểm, khi đó bạn sẽ cảm thấy đau buốt vô cùng khó chịu, đồng thời bị sốt, kèm theo nguy cơ răng lung lay, viêm xoang hàm, viêm nội mạc. Người bệnh hỏng tủy có khả năng cao phải nhổ bỏ răng nếu ở mức độ nặng.
Ảnh hưởng khác
Ngoài những tác hại kể trên, bệnh viêm lợi còn làm tăng nguy cơ trụy tim, viêm phổi và đột quỵ do ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh. Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai bị viêm nướu và không được chữa trị kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ có mẹ bị viêm nướu, khi sinh ra thường thiếu hụt dưỡng chất, nhẹ cân, ốm yếu hoặc sinh non, vô cùng nguy hiểm.
Thêm vào đó, viêm lợi gây hôi miệng, tăng mảng bám và hình thành nhiều cao răng, khi đó chắc chắn người bệnh sẽ cảm thấy e ngại trong giao tiếp với mọi người.
Có thể thấy, bệnh viêm nướu răng khi tiến triển ở giai đoạn nặng có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, không chỉ tác động tiêu cực đến khoang miệng, làm mất răng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do vậy bạn tuyệt đối không được chủ quan, phải nhanh chóng thăm khám bác sĩ nha khoa ngay khi có những biểu hiện bất thường để được chẩn đoán và điều trị từ sớm.
Phương pháp điều trị viêm nướu răng hiệu quả nhất
Điều trị viêm nướu từ sớm là điều bạn nên làm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Quá trình chữa trị phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân, mức độ, giai đoạn tiến triển của bệnh. Do đó, tốt nhất bạn nên thăm khám để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Mẹo dân gian trị viêm nướu răng tại nhà hiệu quả cao
Nếu mức độ viêm lợi nhẹ, chưa ảnh hưởng đến răng hoặc các bộ phận khác, đồng thời ít có cảm giác đau nhức, người bệnh có thể sử dụng các nguyên liệu sẵn có tại nhà để cải thiện. Cách chữa viêm nướu răng dân gian vô cùng đơn giản, hiệu quả tốt, tiết kiệm thời gian, chi phí nên được nhiều người ưu tiên áp dụng.
- Dùng nước muối: Nước muối có khả năng sát khuẩn, kháng viêm và khử trùng mạnh mẽ, trong khi đó viêm lợi hình thành chủ yếu do vi khuẩn tấn công. Bởi vậy khi dùng nước muối súc miệng hàng ngày có thể khắc phục được phản ứng sưng viêm, góp phần tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ mảng bám, làm sạch khoang miệng. Người bệnh có thể mua nước muối sinh lý ở tiệm thuốc, dùng súc miệng ngày 2 lần vào sáng và tối sau khi đánh răng sẽ đạt được hiệu quả tích cực.
- Dùng lá bạc hà: Lá bạc hà là thành phần chính của nhiều loại kem đánh răng trên thị trường. Lý do là bởi ngoài công dụng mang đến cảm giác mát lạnh, hơi thở the mát thì nguyên liệu này còn có khả năng ức chế, tiêu diệt khuẩn hại rất tốt, đồng thời loại bỏ mùi hôi khó chịu do viêm lợi gây ra. Khi thực hiện, bạn lấy khoảng 40g lá bạc hà rửa sạch, ngâm cùng nước muối pha loãng. Sau đó cho vào nồi đun cùng 1 lít nước trong khoảng 5 - 7 phút rồi dùng nước bạc là uống hàng ngày. Ngoài ra có thể sử dụng nước lá bạc hà để súc miệng tương tự nước muối, giúp làm sạch răng miệng hiệu quả.
- Cam thảo: Theo nghiên cứu, cam thảo có chứa hàm lượng lớn acid glucuronic có thể ức chế được nhiều chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm cho cơ thể. Thêm vào đó, hương thơm đặc trưng của loại thảo dược này cũng loại bỏ mùi hôi khó chịu trong miệng cho bệnh nhân bị viêm nướu. Người bệnh lấy 3 lát cam thảo tươi ngậm trong miệng rồi từ từ nhai để hoạt chất tiết ra, sau đó nuốt phần nước, nhổ bã ra ngoài. Nên thực hiện cách này mỗi ngày từ 1 - 2 lần sẽ giúp đẩy lùi các triệu chứng của bệnh viêm nướu.
- Nha đam: Nha đam cũng là nguyên liệu được sử dụng nhiều trong việc cải thiện các bệnh lý về răng miệng. Được biết nha đam chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, diệt khuẩn, làm dịu da, hỗ trợ phục hồi những tổn thương nên thích hợp trong điều trị bệnh viêm nướu. Bạn dùng một nhánh nha đam tươi, rửa sạch, lấy phần gel trong và loại bỏ vỏ. Tiếp đến mang gel nha đam đi xay thành nước cốt, dùng để ngậm và súc miệng hàng ngày. Mỗi lần ngậm khoảng 30 giây rồi nhổ ra, thực hiện 2 - 3 lần mỗi ngày.
Dùng thuốc kê đơn
Với tình trạng viêm nướu hoàn toàn có thể khắc phục bằng thuốc Tây y kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi đó, bệnh nhân sẽ được thăm khám để xác định mức độ, nguyên nhân gây bệnh và chỉ định thuốc phù hợp. Một số loại thuốc viêm nướu răng thường được kê đơn đó là:
- Thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid: Nhóm thuốc này bao gồm Paracetamol, Diclofenac, Axit mefenamic, Meloxicam, Ibuprofen,... có khả năng kiểm soát tốt phản ứng viêm của cơ thể, giảm cơn đau nhức nhanh chóng.
- Thuốc kháng viêm chứa steroid: Nếu bị viêm nướu ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng viêm chứa steroid, phổ biến nhất là Dexamethason, Prednisolon. Các loại thuốc này có tác dụng kháng viêm vô cùng mạnh mẽ, hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng tấy, đau nhức khi viêm lợi.
- Thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh như macrolid, beta-lactam được dùng nhiều trong quá trình điều trị bệnh viêm nướu răng với tác dụng tiêu diệt các khuẩn hại gây bệnh. Trong những trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp kháng sinh dạng bôi và dạng uống để nâng cao hiệu quả điều trị.
Điều trị tại nha khoa
Nếu muốn điều trị dứt điểm tình trạng viêm nướu răng hoặc sau một thời gian áp dụng mẹo tại nhà và dùng thuốc không có hiệu quả, bạn nên đến nha khoa để bác sĩ xử lý. Dựa vào kết quả thăm khám cũng như mức độ bệnh, nha sĩ sẽ chỉ định một trong các biện pháp sau:
- Rạch áp xe răng: Đối với trường hợp bị viêm lợi quanh thân răng, gây biến chứng là áp xe răng sẽ được thực hiện thủ thuật rạch áp xe và dẫn lưu tại chỗ.
- Cắt u lợi: Viêm lợi làm xuất hiện u lợi, tuy nhiên ở phụ nữ mang thai không thể điều trị bằng thuốc, sẽ được yêu cầu cắt bỏ u lợi để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đây là thủ thuật khá đơn giản, diễn ra trong thời gian ngắn và có thể chăm sóc tại nhà.
- Nhổ răng: Một số đối tượng bị nhiễm trùng nặng, lan rộng và khiến chân răng bị tổn thương nghiêm trọng. Lúc này các biện pháp bảo tồn răng không có tác dụng nên bác sĩ chỉ định nhổ bỏ răng, sau đó trồng răng giả thay thế.
- Phẫu thuật lật vạt, làm sạch chân răng: Thủ thuật này khá phổ biến cho những người bị viêm nướu. Bác sĩ sẽ tiến hành lật nướu, làm sạch vôi răng sâu bên trong, đồng thời hút bỏ túi mủ đã nhiễm trùng. Qua đó xử lý hoàn toàn vi khuẩn gây viêm nhiễm, giúp mô lợi phục hồi tốt.
Được quan tâm nhiều
Một số lưu ý để phòng ngừa viêm nướu
Viêm nướu có thể gây ra nhiều vấn đề khác về răng miệng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Do vậy bạn nên chú ý một số vấn đề sau để phòng ngừa bệnh tốt nhất:
- Nên đánh răng ngày 2 lần vào sáng, tối với bàn chải lông mềm, sử dụng lực tác động vừa đủ, không chải răng quá mạnh.
- Kết hợp sử dụng nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn, thay thế tăm tre bằng chỉ nha khoa giúp loại bỏ mảng bám tốt hơn, trong khi không gây hại đến răng, nướu.
- Thay đổi các thói quen xấu như nghiến răng khi ngủ, cắn vật cứng, dùng răng mở nắp chai, hút thuốc lá hay sử dụng rượu bia.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường bổ sung chất xơ, canxi, vitamin C, D và thực phẩm chứa lợi khuẩn để nâng cao sức đề kháng, tránh vi khuẩn tấn công.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo.
- Giữ tinh thần thoải mái, không nên để đầu óc căng thẳng, stress, đồng thời bổ sung nhiều nước và dành thời gian tập thể dục thể thao mỗi ngày.
- Nên khám nha khoa định kỳ 3 - 6 tháng mỗi ngày để loại bỏ cao răng, sớm phát hiện bệnh lý về răng miệng và điều trị triệt để từ giai đoạn đầu.
Bệnh viêm nướu răng vô cùng phổ biến, xuất hiện ở mọi đối tượng và hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để biết chính xác mình có bị viêm nhiễm ở lợi hay không, mức độ như thế nào, bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín. Khi đó bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán cũng như tư vấn cách điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
- Hotline: 0987.933.309
- Facebook: https://www.facebook.com/nhakhoavidentalvietnam
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!