Đau Răng Khôn: Nguyên Nhân, Giải Pháp Và Lưu Ý Cần Nhớ
- Bác sĩ nội trú Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội
- Chứng chỉ cấy ghép Nha khoa nâng cao: Cấy ghép và phục hình Implant tức thì
- Chứng chỉ cắm ghép Implant nha khoa cấp bởi viện đào tạo RHM - ĐH Y Hà Nội
- Chứng chỉ Chỉnh nha Invisalign Fundamentals Seminar Hoa Kỳ
- Chứng nhận đào tạo Bí quyết chỉnh nha hiệu quả - Điều trị răng ngầm
Đau răng khôn là tình trạng mà hầu hết chúng ta đều gặp phải. Làm sao để giảm cơn đau do răng khôn là thắc mắc của rất nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng này hiệu quả nhất thông qua bài viết dưới đây.
Răng khôn là gì, nguyên nhân nào dẫn đến đau răng khôn?
Răng khôn còn có tên gọi khác là răng số 8 là những chiếc răng mọc sau cùng ở tuổi trưởng thành. Răng khôn sẽ mọc ở trong cùng của hai hàm răng khi xương hàm đã ngừng phát triển, thường là vào độ tuổi từ 18 – 25. Trả lời cho câu hỏi tại sao mọc răng khôn lại đau, các chuyên gia cho rằng hiện tượng đau răng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến như:
- Dấu hiệu mọc răng khôn: Răng khôn trong quá trình mọc sẽ đâm xuyên qua nướu, do vậy tình trạng đau nhức là không thể tránh khỏi. Đồng thời, vì thiếu hụt không gian để mọc so với những chiếc răng khác, cảm giác đau mọc răng khôn sẽ khó chịu hơn. Thậm chí nhiều người còn bị đau răng khôn không ngủ được.
- Răng khôn mọc lệch: Chính vì những chiếc răng này thường mọc ở vị trí cuối cùng của hàm nên rất dễ xảy ra tình trạng mọc lệch, ngầm hoặc lạc chỗ, gây ra đau nhức khó chịu. Trường hợp răng khôn mọc lệch lạc xiên vào các răng khác còn dẫn đến sưng lợi, viêm xung quanh răng và dẫn đến sốt.
- Răng khôn bị sâu: Sâu răng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đau răng, trường hợp sâu răng khôn sẽ gây đau nghiêm trọng. Bạn có thể nhận biết răng khôn bị sâu thông qua các dấu hiệu như răng xuất hiện lỗ sâu có màu vàng hoặc đen. Răng khôn sâu sẽ đau nhức, khó chịu, cơn đau sẽ trầm trọng hơn khi ăn đồ ngọt, đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng. Đặc biệt, nếu thức ăn bị chèn vào lỗ sâu, cảm giác đau sẽ rõ rệt hơn.
Đau răng khôn có nguy hiểm không là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Trong trường hợp răng khôn mọc thẳng không gây ảnh hưởng đến các răng khác thì cảm giác đau nhức sẽ hết dần sau khi nó mọc lên hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu răng khôn mọc lệch hoặc mọc ngầm sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như viêm lợi trùm, xô lệch các răng đã mọc trước đó. Để có thể phát hiện được tình trạng này, bạn cần phải đến các cơ sở nha khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.
Đau răng khôn nên làm gì?
Tùy vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng khôn đau nhức, cách khắc phục cũng sẽ khác nhau. Trong các trường hợp, răng khôn mọc lệch gây đau, viêm loét nướu, ảnh hưởng đến các răng khác cách xử lý thường được chỉ định là nhổ bỏ.
Tuy nhiên, nếu như tình trạng đau nhức chỉ là dấu hiệu của việc răng khôn mọc lên khỏi nướu, không gây biến chứng nào khác thì bạn có thể khắc phục bằng một trong các phương pháp dưới đây.
Khắc phục cơn đau tại nhà
Đau nhức răng khôn có thể sẽ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Do vậy, khi bị đau nhức răng khôn bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để làm giảm nhanh các triệu chứng đau nhức ngay tại nhà.
Chườm đá lạnh
Chườm đá là phương pháp giảm sưng đau vô cùng hiệu quả được nhiều người áp dụng. Hơi lạnh từ đá sẽ làm tê liệt tạm thời dây thần kinh tại vị trí đau, giúp bạn cảm thấy bớt đau và dễ chịu hơn.
Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy một chiếc khăn mềm bọc 2 viên đá và chườm lên vị trí mọc răng khôn. Thực hiện từ 2 – 3 lần, mỗi lần 15 phút sẽ giúp giảm sưng đau đáng kể.
Sử dụng chanh tươi
Trong quả chanh có chứa rất nhiều vitamin C và axit citric có khả năng kháng khuẩn cao. Cách thực hiện rất đơn giản: Bạn lấy 1 – 2 quả chanh vắt lấy nước cốt, sau đó sử dụng bông y tế thấm thấm nước cốt chanh để bôi vào vị trí bị đau. Lặp lại phương pháp này mỗi ngày từ 1 – 2 lần sẽ thấy cảm giác đau nhức giảm đi đáng kể.
Sử dụng tỏi
Tỏi là vị thuốc dân gian có thể chữa rất nhiều bệnh, hợp chất ajoene trong tỏi có tính kháng khuẩn cao và làm giảm cơn đau nhức do răng khôn gây ra. Để thực hiện, bạn lấy một tép tỏi chà nhẹ lên vị trí răng khôn bị đau và xung quanh nướu.
Tuy nhiên, đây chỉ là những phương pháp giảm đau tạm thời tại nhà. Trong trường hợp mọc răng khôn bị đau kéo dài cùng với các triệu chứng sưng tấy, sốt cao bạn nên tìm đến cơ sở nha khoa để được chữa trị.
Sử dụng một số loại thuốc giảm đau
Bên cạnh các biện pháp áp dụng tại nhà nói trên, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa dưới đây để giảm cơn đau do răng khôn gây ra.
- Thuốc giảm đau Spiramy, Paracetamol: Trong trường hợp đau răng nhẹ, lợi hơi sưng bạn có thể sử dụng một trong hai loại thuốc này. Lưu ý sử dụng theo liều lượng được bác sĩ hướng dẫn, không lạm dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Thuốc giảm đau Ibuprofen: Ibuprofen được dùng cho các trường hợp đau do mọc răng khôn nặng và sưng hơn. Đây là loại thuốc được bán rộng rãi tại nhiều nhà thuốc nên bạn sẽ rất dễ dàng tìm được nó.
- Các loại thuốc kháng sinh: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng một số loại thuốc kháng sinh giúp tiêu sưng, ngừa viêm như amoxicilin, doxycyclin, tetracyclin, spiramycin,..
- Sử dụng gel gây tê: Gel gây tê có thành phần hoạt chất benzocaine, có khả năng gây tê và giảm đau. Loại thuốc này được bày bán tại các nhà thuốc, bạn có thể mua mà không cần bác sĩ kê toa. Lưu ý, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chú ý đến thành phần của thuốc để tránh bị kích ứng.
Đến phòng khám chuyên khoa
Với các trường hợp đau nhức răng khôn kéo dài, rất có thể là do răng khôn mọc lệch hoặc mọc ngầm. Lúc này, bạn nên đến phòng khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT hàm, phân tích nguyên nhân gây đau. Nếu răng khôn mọc không đúng vị trí gây ảnh hưởng xấu đến các răng khác thì sẽ phải nhổ bỏ.
Địa chỉ chữa đau răng khôn uy tín
Xử lý răng khôn đau nhức tuy không quá phức tạp nhưng cũng cần phải được thực hiện tại cơ sở nha khoa uy tín. Đặc biệt là nếu nhổ bỏ răng khôn sai cách sẽ rất dễ dẫn đến biến chứng về sau. Nếu như bạn đang muốn tìm kiếm địa chỉ chữa đau răng khôn uy tín thì có thể tham khảo một trong các địa chỉ dưới đây.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội
Đây là bệnh viện tuyến trung ương chuyên về Răng Hàm mặt nên tại đây quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi và dày dặn kinh nghiệm nhất. Bên cạnh đó, các phòng khám cũng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại cùng chất lượng dịch vụ được cải tiến hàng ngày.
- Địa chỉ: Trên mặt đường Tràng Thi, thuộc Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Liên hệ: 024.3928.5172.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Nằm ngay cạnh trường Đại học Y Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước, bệnh viện Đại học Y Hà Nội là địa chỉ khám chữa bệnh mà nhiều người lựa chọn. Đối với khoa răng hàm mặt, bệnh viện luôn có những bác sĩ chuyên khoa đầu ngành và cơ sở vật chất đảm bảo để xử lý được những vấn đề liên quan đến răng miệng dù là phức tạp nhất.
- Địa chỉ: Bệnh viện có địa chỉ tại số 1 Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.
- Liên hệ: 1900.6422.
Bệnh viện RHM TW tại TP. Hồ Chí Minh
Bệnh viện răng hàm mặt TW thành phố Hồ Chí Minh quy tụ đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa được đào tạo tại các trường Đại học Y khoa hàng đầu Việt Nam, cũng như nhiều trường đại học danh tiếng tại nước ngoài. Bạn có thể tới điều trị tình trạng mọc răng khôn tại bệnh viện qua thông tin địa chỉ dưới đây.
- Địa chỉ: Số 201A thuộc đường Nguyễn Chí Thanh, tại Quận 5, thành phố HCM.
- Liên hệ: 028.3855.6732.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn với hơn 15 kinh nghiệm trong ngành nha khoa là một trong những địa chỉ uy tín đem lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt nhất tại TP HCM. Tại đây có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm cùng cơ sở vật chất vô cùng hiện đại. Bạn sẽ được tư vấn kế hoạch điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho tình trạng răng miệng của mình.
- Địa chỉ: Trụ sở chính của bệnh viện đặt tại 1256 – 1258 Võ Văn Kiệt, Quận 5, TP HCM.
- Liên hệ: 1800.6836.
Lưu ý chăm sóc răng miệng khi bị đau răng khôn
Để giảm nguy cơ đau nhức, khó chịu cũng như tránh những tổn hại đến nướu răng khi mọc răng khôn, người bệnh nên lưu ý một số điểm như sau:
- Duy trì thói quen đánh răng 2 lần/ngày, sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để hỗ trợ làm sạch răng, giảm vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Uống nhiều nước vì việc bổ sung nhiều nước sẽ giúp rửa trôi thức ăn thức ra khỏi răng và nướu, đồng thời giúp tuyến nước bọt hoạt động tốt hơn để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
- Có chế độ ăn uống khi bị đau răng khoa học, nên ăn các thực phẩm mềm, không cần phải nhai nhiều. Bổ sung thêm vào thực đơn hàng ngày các loại rau củ, hoa quả giúp cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời giảm đau và làm lành vết thương nhanh hơn.
- Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn đồ ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá cứng vì chúng sẽ tác động mạnh vào răng khôn gây đau nhức kéo dài.
- Hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia vì chúng đều là những tác nhân dẫn đến khô miệng. Nếu bị khô miệng kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây hại cho sức khỏe răng miệng và khiến cho tình trạng đau khi mọc răng khôn nghiêm trọng hơn.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng đau răng khôn. Hy vọng những chia sẻ bên trên đã giúp ích cho quý độc giả trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này. Nếu có bất kỳ ý kiến đóng góp nào vui lòng để lại bình luận ở phía dưới bài viết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!