Mòn Men Răng Là Gì: Nguyên Nhân, Phương Pháp Điều Trị
Mòn men răng là hiện tượng mất tổ chức men răng do ma sát giữa răng và các tác nhân bên ngoài như chải răng mạnh, thói quen cắn vật cứng. Nguyên nhân mòn răng có thể bao gồm thói quen ăn uống và chải răng không đúng cách. Đối với mòn men răng, có các phương pháp như chăm sóc răng đúng cách, sử dụng kem đặc trị và thậm chí có các mẹo phục hồi tại nhà. Tuy nhiên, tốt hơn hết, hãy thăm khám bác sĩ để được xử lý đúng cách và kịp thời.
Mòn men răng là hiện tượng gì?
Men răng là lớp màng phủ bên ngoài răng, giữ vai trò bảo vệ phần ngà răng nhạy cảm nằm ở bên trong. Mòn men răng là tình trạng lớp bảo vệ này bị bào mòn, khiến phần ngà răng bên trong lộ ra. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, vừa ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai cùng nhiều vấn đề nguy hiểm khác.
Nhận biết dấu hiệu mòn men răng
Bạn có thể nhận biết tình trạng men răng bị mòn thông qua một số dấu hiệu điển hình như:
- Răng trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt khi ăn các loại đồ ngọt, đồ ăn nóng hoặc lạnh.
- Khi men bị mòn, ngà răng lộ ra bên ngoài có thể khiến răng chuyển sang màu vàng.
- Các vết nứt xuất hiện trên bề mặt răng, cạnh của răng không đều, đôi khi hơi thô ráp.
- Mòn men răng ở mức độ nặng có thể gây ra các vết lõm trên bề mặt răng.
- Tạo điều kiện cho sâu răng phát triển dẫn đến áp xe răng hoặc nhiễm trùng vô cùng đau đớn.
Một số nguyên nhân khiến men răng hư hại
Tình trạng mòn men răng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể:
Nguyên nhân do hoạt động cơ học
Một số thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng men răng bị mòn:
- Các hoạt động ăn nhai khiến men răng bị mòn, thường gặp ở người cao tuổi.
- Thường xuyên sử dụng thực phẩm có đường, giàu tinh bột, đồ uống có tính axit sẽ từ từ bào mòn men răng.
- Vệ sinh răng miệng không đúng cách như sử dụng bàn chải quá cứng hoặc chải răng sai cách.
- Người có thói quen xấu như cắn móng tay, nhai vật cứng, dùng răng mở nút chai… cũng sẽ gây mòn men răng.
Mòn men răng do yếu tố bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân do hoạt động cơ học, yếu tố di truyền cũng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng men răng. Bên cạnh đó, men răng có thể bị mòn do ảnh hưởng của những bệnh lý sau:
- Bệnh khô miệng: Ở người mắc bệnh này, lượng nước bọt tiết ra ít sẽ khiến acid bám trên răng lâu hơn, làm gia tăng nguy cơ mòn răng gấp nhiều lần.
- Tật nghiến răng khi ngủ: Dẫn đến tình trạng mòn mặt nhai của răng hàm.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Ở người mắc bệnh này, axit trào lên có cơ hội tiếp xúc với bề mặt răng gây mòn răng.
- Một số bệnh lý khác: Thiểu sản men, các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình khoáng hoá, bệnh lý gây ra sự ma sát quá mức giữa hai hàm răng, bệnh liên quan đến khớp hàm như đau mỏi khớp, kêu khớp… là những nguyên nhân khiến men răng mềm và dễ vỡ hơn bình thường.
Tham khảo: Răng Sứ Kim Cương Là Gì, Chất Lượng Có Tốt Không?
Gợi ý phương pháp điều trị men răng mòn hiệu quả
Do men răng không chứa tế bào sống nên khi xuất hiện tổn thương sẽ không thể tự hồi phục và sửa chữa. Bên cạnh đó, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng như răng bị xỉn màu, ố vàng, nhạy cảm, nguy cơ sâu răng, nứt gãy răng và nghiêm trọng hơn là viêm tủy dẫn đến mất răng.
Bởi vậy khi xuất hiện những dấu hiệu của mòn men răng, bạn cần thăm khám tại các phòng khám nha khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tùy tình trạng bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ mà các giải pháp điều trị gồm có:
Điều trị mòn răng nhẹ
Tình trạng men răng bị mòn ở mức độ nhẹ có thể được khắc phục thông qua một số biện pháp điều trị và chăm sóc đơn giản. Việc bạn cần làm là tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ với một số gợi ý được khuyến cáo như:
- Bổ sung fluor: Fluor là khoáng chất cần thiết, giúp bảo vệ răng luôn chắc khỏe. Tùy theo mức độ mòn răng mà bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng fluor ở dạng nước súc miệng, gel bôi hoặc dùng các loại thuốc, nước uống chứa khoáng chất này.
- Máng nhai ban đêm: Với những bệnh nhân bị mòn răng với nguyên nhân do tật nghiến răng, rối loạn khớp thái dương hàm, đây là phương pháp thường được chỉ định. Theo đó, máng nhai chính là khí cụ bằng nhựa có hình dạng của 1 hàm răng, rỗng bên trong giúp bao bọc toàn bộ cung răng.
- Trám răng: Đây cũng là phương pháp phổ biến, áp dụng trong trường hợp mòn men răng ở mức độ nhẹ. Bác sĩ sẽ sử dụng các vật liệu như GIC, composite,… để trám lên vùng men răng bị mài mòn. Điều này sẽ tạo nên lớp màng bảo vệ ngà răng, giảm tình trạng ê buốt, đau nhức khi ăn uống cũng như che đi các vết ố vàng trên răng. Trong trường hợp mòn răng cửa, bạn có thể lựa chọn giữa trám răng thẩm mỹ và một số phương pháp phục hình răng khác.
Tìm hiểu ngay: Răng Sứ Chrome Cobalt: Ưu, Nhược Điểm Và Lưu Ý Khi Thực Hiện
Điều trị mòn men răng nặng
Khi men răng bị mòn nhưng không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ tiến triển và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Lúc này, các phương pháp điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn gồm:
- Bọc răng sứ: Đây là phương pháp giúp để bảo vệ phần răng thật bên trong với hiệu quả cao. Để thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng mão sứ chụp lên cùi răng thật đã được mài nhỏ. Bọc răng sứ không chỉ giúp răng phục hồi hình dạng, kích thước mà còn cải thiện màu sắc, chức năng, thẩm mỹ cho răng.
- Lấy tủy răng: Với những trường hợp mòn men răng nặng dẫn đến biến chứng viêm tủy răng, bác sĩ sẽ tiến hành lấy tủy trước khi bọc răng sứ. Đây là thủ thuật khá phức tạp nên bệnh nhân sẽ cần thực hiện từ 1 – 2 lần. Sau khi loại bỏ tủy răng, bác sĩ sử dụng gutta percha để trám bít khoáng tủy và đắp mão sứ lên trên để bảo vệ cùi răng thật.
Giải pháp phòng ngừa mòn men răng
Mặc dù men răng bị mòn không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa mòn men răng hiệu quả, bạn cần chú ý nhiều hơn đến thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày như:
- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối, mỗi lần 2 phút, không chải răng quá mạnh để làm giảm áp lực lên men răng, mô nướu.
- Sử dụng bàn chải có phần lông mềm và kem đánh răng có chứa fluor để làm sạch răng.
- Sau khi đánh răng, nên sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ vi khuẩn, mảng bám còn sót lại.
- Uống nhiều nước trong ngày, đặc biệt giữa các bữa ăn để kích thích khoang miệng tiết nước bọt. Nếu bạn đang sử dụng một số loại thuốc gây khô miệng, nên uống khoảng 2.5 lít nước/ngày sẽ góp phần ngăn tình trạng mòn răng và sâu răng.
- Hạn chế dung nạp các loại đồ ăn, thức uống có chứa axit. Nếu sử dụng cần súc miệng thật kỹ sau khi ăn bằng nước, sữa hoặc nước súc miệng có chứa fluor.
- Sử dụng kẹo cao su không đường sau các bữa ăn để trung hòa axit do vi khuẩn bài tiết, đồng thời hỗ trợ làm sạch thức ăn thừa và mảng bám trên bề mặt răng. Đây cũng chính là cách thức giúp kích thích khoang miệng tăng tiết nước bọt và giảm chứng khô miệng hiệu quả.
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần giúp hiện sớm các vấn đề liên quan đến răng hàm mặt.
Mòn men răng hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và thay đổi thói quen chăm sóc vệ sinh răng miệng hàng ngày. Trong trường hợp nhận thấy xuất hiện những dấu hiệu của hiện tượng này, bạn cần thăm khám sớm để được tư vấn điều trị hiệu quả nhất, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!