Răng Hàm Nằm Ở Vị Trí Nào Trên Cung Hàm? Có Quan Trọng Không?
Răng hàm là nhóm răng đóng vai trò chủ chốt vô cùng quan trọng trên cung hàm. Tuy nhiên, vị trí, đặc điểm cũng như chức năng của chúng vẫn còn nhiều người chưa hiểu thật chính xác. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin giúp cho bạn đọc có được cái nhìn tổng quan hơn về nhóm răng này.
Răng hàm là gì? Đặc điểm của răng hàm
Răng hàm (còn hay được gọi là răng cối) là nhóm răng chiếm số lượng nhiều nhất trên cung hàm, đồng thời cũng đảm nhiệm vai trò chính trong việc nhai và nghiền nhỏ thức ăn.
Răng hàm được chia làm hai nhóm nhỏ là răng hàm nhỏ và răng hàm lớn. Trong đó, nhóm răng hàm nhỏ có tất cả 8 chiếc với 4 chiếc ở hàm trên và 4 chiếc ở hàm dưới. Còn răng hàm lớn có tất cả 12 chiếc, mọc đối xứng với nhau, 6 chiếc thuộc hàm trên và 6 chiếc thuộc hàm dưới.

Vị trí răng hàm
Trong nha khoa, hai hàm răng được chia thành 4 cung bao gồm trên phải, dưới phải, trên trái và dưới trái. Mỗi phần hàm sẽ có 8 răng vĩnh viễn được đánh số thứ tự từ 1 đến 8 tính từ đường giữa hàm. Nhóm răng hàm bao gồm răng số 4 và số 5 là răng 2 răng cối nhỏ, răng số 6, 7, 8 là 3 răng hàm lớn.
Cấu tạo
Răng hàm có cấu tạo tương tự như các răng khác, gồm có các bộ phận như men răng, ngà răng, tủy răng, cụ thể như sau:
- Men răng: Men răng là phần mô cứng nhất trên cơ thể người, được cấu tạo chủ yếu từ muối vô cơ và một phần nhỏ là chất hữu cơ. Lớp men răng có màu trong mờ, cứng, giòn, ngấm vôi tốt, có khả năng cản được tia X. Nếu nhìn qua men răng, chúng ta sẽ có thể thấy được phần ngà ở dưới cho nên răng sẽ có màu hơi ngả vàng. Vai trò của lớp men này là bảo vệ ngà răng và các thành phần ở bên trong và chịu lực chính khi răng ăn nhai.
- Ngà răng: Ngà răng nằm bên dưới lớp men răng có chức năng là bảo vệ cho tủy răng bên trong. Lớp ngà có cấu tạo giống như xương, bao gồm các ống nhỏ, bên trong có các tế bào sống. Chính vì vậy mà ngà răng rất nhạy cảm, nếu lớp men bị tổn thương nhiệt độ sẽ có thể tác động qua lớp ngà và ảnh hưởng đến tủy răng bên trong.
- Tủy răng: Tủy răng là mô phần mô bao gồm các dây thần kinh và mạch máu nằm ở chính giữa răng bên dưới lớp ngà. Tủy đóng vai trò quan trọng cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi răng và nhận diện các xung thần kinh tác động lên răng. Tủy răng sẽ trải dài từ phần thân răng cho tới chân răng. Tùy vào số lượng chân răng mà số lượng ống tủy có thể là từ 1 đến 4. Răng hàm nhỏ sẽ có 2 ống tủy, còn răng hàm lớn sẽ có 3 – 4 ống tủy.

Chức năng răng hàm
Là nhóm răng có số lượng nhiều nhất trên cung hàm, răng hàm đảm nhiệm các chức năng quan trọng có thể kể đến như:
- Chức năng ăn nhai, nghiền nhỏ thức ăn: Là những chiếc răng lớn nhất, hiển nhiên, răng cối sẽ đảm nhiệm chức năng ăn nhai chính. Nếu như nhiệm vụ của răng cửa là cắn và cắt nhỏ thức ăn thành các mảnh nhỏ thì vai trò của răng cối chính là nghiền nhỏ, trộn đều thức ăn với nước bọt để sau khi được nuốt xuống dạ dày thì chúng sẽ được tiêu hóa một cách thuận lợi nhất.
- Chức năng thẩm mỹ: Mặc dù có vị trí nằm bên trong hàm không dễ thấy như răng cửa nhưng răng hàm đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa và cân đối của khuôn mặt.
- Chức năng phát âm: Bộ răng đầy đủ sẽ giúp chúng ta phát âm được chuẩn xác và rõ chữ. Nếu mất răng, trên hàm sẽ có các khoảng trống, tạo nên khe hở dẫn đến âm phát ra trở nên khó nghe và không chính xác.

Răng hàm có thay không?
Răng hàm nhỏ thứ nhất và răng hàm nhỏ thứ hai là các răng vĩnh viễn thay thế cho răng sữa. Ba răng hàm lớn là các răng tự mọc lên không thông qua quá trình thay răng. Đặc biệt, răng cối lớn thứ nhất còn được gọi là “răng 6 tuổi mọc”, nằm ở vị trí số 6 trên sơ đồ. Răng này mọc lên sớm, cùng tồn tại với răng sữa nên thường xuyên bị nhầm lẫn với răng sữa và không được chăm sóc đúng mức. Các răng cối vĩnh viễn khi bị mất đi sẽ không mọc lại.
Những nguyên nhân dẫn đến mất răng hàm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất răng cối, cụ thể như sau:
- Các bệnh lý răng miệng: Răng miệng không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách có thể dẫn tới các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu hoặc nặng hơn là viêm nha chu, viêm tủy răng. Nếu không được điều trị kịp thời, rất có khả năng răng sẽ bị ăn mòn dần theo thời gian dẫn đến mất răng.
- Do tác động vật lý từ bên ngoài: Mặc dù có kết cấu vô cùng cứng chắc như nếu bị tác động quá mạnh từ bên ngoài, răng cũng thể bị văng ra khỏi cung hàm. Các trường hợp mất răng do nguyên nhân này thường là hậu quả của tai nạn giao thông hoặc tai nạn xảy ra khi chơi thể thao,..
- Do tuổi tác: Cũng giống như các bộ phận khác trên cơ thể người, răng cũng sẽ bị yếu đi và lão hóa dần theo thời gian. Đến một độ tuổi nhất định, răng sẽ rụng đi một cách tự nhiên.
Tham khảo:

Mất răng hàm dẫn đến hậu quả gì?
Nếu mất răng hàm, hậu quả đầu tiên có thể thấy được chính là hoạt động ăn nhai sẽ bị ảnh hưởng. Về lâu về dài, thức ăn không được bộ hàm xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh liên quan đến hệ cơ quan này.
Bên cạnh đó mất răng cối cũng sẽ có thể dẫn tới tình trạng tụt nướu, tiêu xương hàm nếu như không có biện pháp khắc phục kịp thời. Khi đó, xương hàm sẽ bị lõm xuống dẫn đến nhiều hệ quả khác ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng cũng như tính thẩm mỹ của gương mặt.
Một hệ quả nữa khi răng cối bị mất đi chính là các răng kế cận sẽ có xu hướng mọc dịch chuyển về phía khoảng trống khiến cho cung hàm trở nên lệch lạc và mất cân đối.
Trường hợp mất răng hàm khắc phục như nào?
Trồng răng giả cố định giải pháp tốt nhất để ngăn chặn những hậu quả nói trên do mất răng hàm gây ra. Hiện nay, hai phương pháp trồng răng được áp dụng nhiều nhất chính là làm cầu răng sứ và trồng răng Implant.
Làm cầu răng sứ
Đây là giải pháp thay thế 1 hoặc nhiều răng bị mất liên tiếp nhau bằng 1 cầu răng sứ. Cầu răng sẽ có từ 3 răng sứ trở lên được nối liền với nhau sau đó gắn cố định vào trụ răng thật bằng keo nha khoa chuyên dụng để lấp vào khoảng trống của răng bị mất. Các bác sĩ sẽ mài bớt hai răng thật ở vị trí liền kề răng bị mất để làm trụ cầu, giúp cho cầu răng được vững chắc hơn.
Làm cầu răng sứ là một giải pháp hữu hiệu với nhiều ưu điểm có thể kể đến như:
- Khôi phục tốt khả năng ăn nhai cũng như tính thẩm mỹ của răng.
- Thời gian thực hiện ngắn.
- Chất liệu của răng giả và chất liệu gắn răng giả đều rất an toàn với cơ thể.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm cần cân nhắc trước khi thực hiện như:
- Gây tổn thương răng thật: Do cần phải mài bớt lớp men của hai răng thật kế cận để trở thành trụ cầu. Vì vậy, hai chiếc răng này sẽ trở nên nhạy cảm hơn và không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu được.
- Nguy cơ tiêu xương hàm: Phương pháp này mặc dù có thể khôi phục được về mặt thẩm mỹ và các chức ăn nhai cơ bản nhưng lại không thể ngăn chặn quá trình tiêu xương hàm. Vì lực nhai không tác động đến xương hàm nên về lâu về dài phần nướu răng sẽ có khả năng bị tiêu đi nhiều hơn.
- Nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng: Do chỉ là răng sứ đặt bên trên nướu được cố định bằng hai trụ cầu nên thức ăn lâu ngày dễ mắc vào kẽ hở giữa nướu và răng sứ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hơn.
Trồng răng Implant
Trồng răng Implant cũng là phương pháp trồng răng giả cố định thay thế 1 hoặc nhiều răng bị mất. Tuy nhiên, quy trình thực hiện sẽ có phần khác biệt so với phương pháp làm cầu răng sứ.
Cụ thể, bác sĩ sẽ cấy một trụ Implant vào bên trong xương hàm, bên trên trụ này là khớp nối abutment đóng vai trò là trụ cầu kết nối trụ implant với răng sứ ở bên trên.

Phương pháp này về cơ bản khắc phục được những nhược điểm của làm cầu răng sứ và có nhiều ưu điểm nổi bật có thể kể đến như:
- Trụ Implant sẽ đóng vai trò giống như chân răng, có khả năng ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm, teo nướu.
- Không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các răng liền kề.
- Phục hồi được khả năng ăn nhai và thẩm mỹ gần như tương đương với răng thật. Sau khi hoàn thiện các khâu cấy ghép, xương sẽ kết hợp với mặt ngoài của trụ Implant tạo nên độ bám vững chắc nên răng giả gắn trên trụ Implant cũng rất vững chắc không sợ bị bung ra trong quá trình nhai cắn thức ăn.
- Tuổi thọ lên đến 20 năm hoặc có thể lâu hơn nếu như được chăm sóc tốt.
Điểm hạn chế lớn nhất của phương pháp trồng răng sứ Implant là chi phí khá cao, các bước thực hiện cũng khá phức tạp đòi hỏi nha sĩ có kinh nghiệm, tay nghề. Bên cạnh đó, phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc cao huyết áp, bệnh nhân đang áp dụng hóa trị xạ trị.
Cách chăm sóc răng hàm hiệu quả
Để chăm sóc răng hàm hiệu quả và hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng, bạn nên lưu ý một số điểm như sau:

- Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đều đặn, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối. Sử dụng các sản phẩm làm sạch như kem đánh răng có chứa flour, nước súc miệng hoặc chỉ nha khoa để tối ưu hiệu quả.
- Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng rất cần được chú trọng. Bạn nên hạn sử dụng thức ăn có chứa nhiều đường, nước ngọt có ga. Đây đều là những thực phẩm là tăng nồng độ axit bên trong khoang miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công răng.
- Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa các chất kích thích như thuốc lá, đồ uống có cồn.
- Thăm khám định kỳ tại phòng khám nha khoa ít nhất 2 lần/năm để lấy cao răng và điều trị kịp thời các bệnh lý nếu có.
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về cấu tạo, chức năng của răng hàm. Hy vọng rằng thông qua bài viết bạn đã có được cái nhìn tổng quan hơn về nhóm răng này, tầm quan trọng cũng như cách xử lý khi bị mất răng. Từ đó, nâng cao nhận thức và giữ gìn vệ sinh răng miệng được tốt hơn.
Xem ngay:
- Cao răng là gì? Quy trình lấy cao răng và những điều cần lưu ý
- Răng khôn là gì? Những vấn đề cần lưu ý khi mọc răng khôn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!