Răng mọc lệch ở trẻ em: Cách xử lý và một số điều cần lưu ý
Răng mọc lệch ở trẻ em là hiện tượng thường gặpở các bé trong độ tuổi mọc răng và thay răng. Tình trạng này có thể dẫn đến ảnh hưởng về sau không, khắc phục và phòng tránh như thế nào là điều mà rất nhiều ông bố, bà mẹ quan tâm. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về hiện tượng răng trẻ mọc lệch lạc và giúp cho bạn giải đáp các thắc mắc trên.
Răng mọc lệch ở trẻ em nguyên nhân do đâu?
Trước hết, cần lưu ý rằng răng sữa mọc lệch không có nghĩa là răng vĩnh viễn cũng sẽ mọc lệch. Tuy vậy, trong trường hợp răng sữa mọc chen chúc thì rất có khả năng răng vĩnh viễn sẽ mọc chen chúc. Ngoài ra, nếu trẻ bị sâu răng hoặc gặp phải chấn thương khiến răng sữa rụng sớm hơn so với bình thường, thì các răng vĩnh viễn có thể sẽ mọc lệch ra khỏi vị trí.
Nguyên nhân răng trẻ mọc lệch có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như kích thước hàm, các thói quen xấu, chấn thương hoặc yếu tố di truyền, cụ thể:
Kích thước hàm
Hiện nay, với nhiều món ăn đa dạng, thức ăn của trẻ được chế biến mềm và dễ ăn, đồng thời cũng đòi hỏi nhai ít hơn so với thực phẩm mà trước đó tổ tiên của chúng ta vẫn thường dùng. Chính vì vậy, kích thước hàm của con người đã có xu hướng nhỏ hơn rất nhiều. Theo các nhà khoa học, hàm răng nhỏ lại, ngắn đi có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến răng của trẻ sơ sinh mọc chen chúc, lệch lạc.
Các thói quen xấu – Nguyên nhân gây răng mọc lệch ở trẻ em
Một số thói quen tưởng chừng như vô hại hình thành khi trẻ còn nhỏ sẽ có thể gây ra tình trạng răng mọc lệch lạc ở trẻ. Đặc biệt, kết cấu hàm ở trẻ vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, những thói quen xấu có thể tác động đến cả sự phát triển của hàm gây ra tình trạng hàm bị hô, móm. Nếu không được can thiệp kịp thời, khi trưởng thành hàm răng của trẻ sẽ kém thẩm mỹ. Do vậy, bố mẹ cần để ý và giúp trẻ từ bỏ các thói quen xấu như:
- Nghiến răng khi ngủ: Đây là một thói quen rất có hại, làm ảnh hưởng đến bề mặt răng của trẻ. Ở một số bé, tình trạng nghiến siết mạnh các răng dẫn đến vỡ men bờ cắn của răng sữa hoặc răng bị mòn nhiều dẫn đến hiện tượng khớp cắn sâu.
- Cắn môi má: Trẻ có thói quen cắn môi má, sẽ làm cho răng cửa hàm trên nhô ra, dẫn đến tình trạng răng hô, khớp cắn không khớp, phát âm không chuẩn.
- Mút môi: Trẻ thường xuyên mút môi sẽ khiến các răng cửa dưới bị nghiêng vào phía trong, còn các răng cửa hàm trên sẽ nghiêng ra trước. Tình trạng này rất dễ dẫn đến hô móm, hoặc khớp cắn sâu.
- Đẩy lưỡi hay nuốt lệch: Tật đẩy lưỡi về phía trước sẽ khiến cho các răng cửa dịch chuyển ra phía trước, các răng thưa thớt.
- Mút ngón tay: Đây thói quen rất phổ biến ở trẻ từ 1 tuổi và thường gây ra tình trạng răng mọc lệch, hô hàm.
- Chống cằm: Việc chống cằm trong thời gian dài có thể sẽ làm thay đổi hướng phát triển của xương hàm dẫn đến khuôn mặt bị mất cân xứng.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng mọc lệch ở trẻ. Nếu cha, mẹ hoặc cả hai có răng mọc chen chúc thì cũng có khả năng con sinh ra bị di truyền đặc điểm này. Hiện tượng trên thường xảy ra theo hai khả năng như sau:
- Thứ nhất: Răng trẻ mọc lệch do thừa hưởng sự không hài hòa kích thước giữa răng và hàm của bố mẹ, hậu quả là răng mọc chen chúc hoặc mọc thưa.
- Thứ hai: Răng mọc lệch do trẻ thừa hưởng sự không cân xứng hình dạng và kích thước giữa xương hàm dưới và xương hàm trên dẫn tới tương quan khớp cắn không đúng.
Chấn thương bên ngoài
Những chấn thương vật lý do tác động bên ngoài rất dễ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng và thay răng của các con. Chấn thương răng sữa có thể làm tổn thương đến mầm răng vĩnh viễn. Hoặc trong trường hợp răng sữa bị mất trước thời điểm thay răng sẽ có khả năng dẫn đến răng vĩnh viễn mọc lệch.
Tham khảo:
Răng mọc lệch ở trẻ gây ảnh hưởng gì?
Khi răng bé mọc lệch, nếu không được khắc phục sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và cả vấn đề thẩm mỹ, cụ thể như sau:
- Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai: Khi các răng mọc sai vị trí, sẽ khiến cho hai hàm bị mất cân đối. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến khả năng ăn nhai bị suy giảm.
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Hàm răng lệch lạc, khấp khểnh sẽ khiến cho khuôn mặt và nụ cười của bé thiếu đi tính thẩm mỹ.
- Tăng nguy cơ gây ra các bệnh về răng miệng: Hàm răng mọc lộn xộn có thể sẽ khiến cho thức ăn bị kẹt lại, khó có thể vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn tới các bệnh lý như viêm lợi hay sâu răng.
Biện pháp khắc phục tình trạng răng mọc lệch ở trẻ em
Khi phát hiện tình trạng răng trẻ mọc lệch, tốt nhất bố mẹ nên đưa trẻ tới nha khoa để thăm khám và có phương án khắc phục cụ thể.
Cho tới thời điểm hiện tại, giải pháp tốt nhất cho răng mọc lệch lạc ở trẻ là can thiệp bằng các phương pháp chỉnh nha sử dụng khí cụ nha khoa để nắn chỉnh răng của bé về đúng vị trí. Tùy vào tình trạng răng miệng của trẻ, các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, có hai hình thức chỉnh nha cho trẻ em phổ biến là:
- Sử dụng khí cụ tháo lắp hoặc hàm trainer: Đây là phương pháp thường được áp dụng cho trẻ em ở độ tuổi từ 6 -12 tuổi, còn được gọi là tiền chỉnh nha. Ở thời điểm này, hàm răng của trẻ sẽ bao gồm cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Chính vì vậy, biện pháp này sẽ giúp điều chỉnh các răng lệch lạc để từ đó định hình cung răng giúp cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Thời gian điều trị bằng phương pháp dùng khí cụ tháo lắp hoặc hàm trainer sẽ cần duy trì trong vòng khoảng 6 – 9 tháng.
- Niềng răng mắc cài: Thường được áp dụng với trẻ từ 12 tuổi trở lên, khi răng sữa của trẻ đã được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ gắn mắc cài trực tiếp lên răng, mắc cài có thể được làm từ sứ hoặc kim loại. Thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 1 – 1.5 năm hoặc có thể lâu hơn tùy vào tình trạng răng của trẻ. Thời gian đeo niềng ở trẻ em thường sẽ ngắn hơn người lớn do lúc này xương hàm vẫn chưa phát triển hoàn thiện, việc nắn chỉnh sẽ dễ dàng hơn.
Ba mẹ cần làm gì để phòng tránh tình trạng răng mọc lệch ở trẻ em?
Để phòng tránh tình trạng răng trẻ mọc lệch, bố mẹ cần lưu ý một số điều như sau:
- Hạn chế các thói quen xấu: Cha mẹ cần theo dõi, nhắc nhở không để cho bé hình thành các thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi ra trước, cắn môi hoặc thở bằng miệng. Ngoài ra, không cho các con bú qua đêm hoặc cắn các vật cứng.
- Thăm khám định kỳ tại cơ sở nha khoa: Việc đưa trẻ đi khám nha khoa định kỳ là rất cần thiết đặc biệt là khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng và thay răng. Một số bậc phụ huynh nghĩ rằng răng sữa sẽ rụng đi và không ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn nên thường đánh giá thấp tầm quan trọng của giai đoạn này và để cho răng sữa mọc tự nhiên. Đây là nguyên nhân dẫn đến răng trẻ mọc không ngay ngắn, dễ mắc các bệnh sâu răng. Do đó, bạn nên đưa bé đi khám răng định kỳ để nắm được các vấn đề và có phương án xử lý kịp thời.
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ: Việc này sẽ giúp cho trẻ có được hàm răng khỏe mạnh, không bị các bệnh lý tấn công. Nhờ vậy, quá trình mọc răng và thay răng của bé cũng sẽ được diễn ra bình thường, ổn định hơn.
Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng răng mọc lệch ở trẻ em, trong đó có nguyên nhân, cách khắc phục cũng như biện pháp phòng tránh. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho các bậc cha mẹ khi tìm hiểu về vấn đề cách chăm sóc răng miệng cho các con.
Đọc thêm:
- Bé mọc răng sốt mấy ngày? Cha mẹ cần làm gì để chăm sóc trẻ?
- Hướng dẫn ba mẹ cách xử lý khi bé mọc răng biếng ăn hiệu quả nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!